Bình Thủy
Bình Thủy
|
|||
---|---|---|---|
Quận | |||
Quận Bình Thủy | |||
QL91 quận Bình Thủy nhìn từ trên cao | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Thành phố | Cần Thơ | ||
Trụ sở UBND | Khu dân cư Ngân Thuận, phường Bình Thủy | ||
Phân chia hành chính | 8 phường | ||
Thành lập | 2/1/2004[1] | ||
Tổ chức lãnh đạo | |||
Chủ tịch UBND | Ông Trần Thanh Bình | ||
Chủ tịch HĐND | Nguyễn Thị Nữ | ||
Bí thư Quận ủy | Trần Quốc Vũ | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°03′42″B 105°43′17″Đ / 10,06167°B 105,72139°Đ | |||
| |||
Diện tích | 67,20 km²[2] | ||
Dân số (2022) | |||
Tổng cộng | 185.142 người[3] | ||
Thành thị | 100% | ||
Mật độ | 2.755 người/km² | ||
Dân tộc | Chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 918[4] | ||
Biển số xe | 65-D1 | ||
Website | binhthuy | ||
Bình Thủy là một quận nội thành thuộc thành phố Cần Thơ, Việt Nam.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Quận Bình Thủy nằm ở khu vực trung tâm của thành phố Cần Thơ, có vị trí địa lý:
- Phía đông và phía bắc giáp huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long
- Phía tây giáp quận Ô Môn
- Phía nam giáp quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền.
Quận có diện tích 67,20 km², dân số năm 2019 là 142.164 người[3], mật độ dân số đạt 2.014 người/km²
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc địa danh
[sửa | sửa mã nguồn]Ban đầu, Bình Thủy chỉ là tên một thôn và sau đó là làng thuộc địa bàn tỉnh Cần Thơ cũ. Đến năm 1906, làng Bình Thủy đổi tên thành làng Long Tuyền và sau năm 1956, làng Long Tuyền lại đổi thành xã Long Tuyền. Từ đó, địa danh Bình Thủy chỉ còn được dùng để chỉ tên một ngôi chợ và tên vùng đất quanh khu vực gần cầu Bình Thủy và Đình Bình Thủy (lúc bấy giờ còn gọi là Long Tuyền Cổ miếu). Tuy nhiên, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, địa danh Bình Thủy lại được sử dụng nhiều để chỉ tên gọi các phi trường và khu vực căn cứ quân sự ở vùng đất này.
Sau năm 1975, xã Long Tuyền được tách ra để thành lập mới phường Bình Thủy. Trong giai đoạn 1975-2003, Bình Thủy chỉ là tên một phường thuộc thành phố Cần Thơ (lúc bấy giờ còn là thành phố trực thuộc tỉnh). Từ năm 2004, khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, địa danh Bình Thủy chính thức được dùng cho cả hai đơn vị hành chính: phường Bình Thủy và quận Bình Thủy. Hiện nay, trung tâm hành chính quận Bình Thủy được đặt ở phường Bình Thủy.
Thuở xa xưa, Long Tuyền có tên là Bình Hưng, sau đổi lại là Bình Phó. Nguồn nước sông trong lành suốt khu vực từ Cồn Linh cho đến xã Thới Bình, sông sâu mà không có sóng to gió lớn. Theo tư liệu tại Bảo tàng Hậu Giang (Cần Thơ), trào Tự Đức thứ 5 (1852), quan Khâm sai đại thần Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên một chiếc hải thuyền vừa đến Cồn Linh thì gặp một trận cuồng phong dữ dội, cả thuyền ai nấy hoảng sợ. Quan khâm sai cho thuyền nấp vào con rạch yên ổn, qua cơn sóng to gió lớn, quan đại thần bèn mở cuộc vui chơi ba ngày cùng dân làng và đổi tên nơi nầy là Bình Thủy[5].
Đổi tên gọi Bình Thủy vì quan Khâm sai Huỳnh Mẫn Đạt nhận xét thấy địa thế nầy tốt đẹp, yên lành; ngọn rạch thường yên lặng, không hề có sóng to gió lớn, hoa màu thịnh vượng, dân lạc nghiệp an cư.
Năm Giáp Thìn 1906, trong một buổi họp mời đông đủ thân hào nhân sĩ tại công sở bàn việc đổi tên làng, Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận (người làng Bình Thủy) đã đề nghị: Cuộc đất chúng ta đang ở rất tốt. Con rạch thì nguồn nước chảy uốn khúc như rồng nằm, miệng ngậm trái châu là cồn án ngang rạch. Lại có bốn chân: hai chân trước là hình thế rạch Ngã Tư lớn và Ngã Tư bé ngang nhau; hai chân sau là rạch Miếu Ông và rạch Cái Tắc ngang nhau. Cái đuôi uốn khúc nằm vắt qua làng Giai Xuân. Địa hình địa cuộc đã trổ ra như thế, tôi muốn đặt tên làng lại là Long Tuyền.... Cai tổng Lê Văn Noãn phụ họa: chữ Long Tuyền thật đầy ý vị. Nhưng hai chữ Bình Thủy cũng khá hay. Ý tôi muốn giữ lại cái tên Bình Thủy cho chợ nầy, và dùng chữ Long Tuyền để chỉ toàn xã thì chẳng gì bằng...[5].
Mọi người có mặt vỗ tay đồng ý. Và vùng đất nầy mang tên Bình Thủy - Long Tuyền mãi đến sau nầy.
Về sau, do tình hình phát triển mở rộng thành phố Cần Thơ, và do dân cư đông đúc, địa giới hành chánh được phân bổ lại nên Long Tuyền - Bình Thủy được tách ra và lập nên phường xã riêng: Phường Bình Thủy và xã Long Tuyền.
Vùng đất Long Tuyền - Bình Thủy xưa kia hiện nay tương ứng với các phường An Thới, Bình Thủy, Bùi Hữu Nghĩa, Long Hòa, Long Tuyền. Riêng các phường Thới An Đông, Trà An và Trà Nóc trước đây cùng thuộc địa bàn làng Thới An Đông (sau năm 1956 là xã Thới An Đông).
Thời phong kiến và Pháp thuộc
[sửa | sửa mã nguồn]Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất quận Bình Thủy ngày nay chính là địa bàn thôn Bình Thủy và thôn Thới An Đông. Hai thôn này ban đầu cùng thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), hai thôn Bình Thủy và Thới An Đông vẫn thuộc tổng Định Thới, tuy nhiên lại chuyển sang thuộc sự quản lý của huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Ngày 1 tháng 1 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ là Bonard quyết định đặt huyện Phong Phú thuộc hạt Sa Đéc, đồng thời lập Toà Bố tại Sa Đéc. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Đéc gồm có 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú. Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.
Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành hạt mới lấy tên là hạt Trà Ôn, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Ngày 5 tháng 1 năm 1876, các thôn đổi thành làng. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt tham biện Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ.
Ngày 1 tháng 1 năm 1900, tất cả các hạt tham biện ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Cần Thơ. Tổng Định Thới ban đầu trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1906, làng Bình Thủy lại đổi tên thành làng Long Tuyền. Mặc dù không còn được dùng chính thức trong các tên gọi đơn vị hành chính, tuy nhiên địa danh "Bình Thủy" vẫn được giữ lại để chỉ tên ngôi chợ trong địa phận làng, gần khu vực cầu Bình Thủy và đình Bình Thủy. Năm 1918, thực dân Pháp thành lập quận Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ. Từ đó, tổng Định Thới trực thuộc quận Ô Môn. Về sau, làng Long Tuyền cũng được giao về cho tổng Định Bảo thuộc quận Châu Thành cùng thuộc tỉnh Cần Thơ quản lý, riêng làng Thới An Đông vẫn thuộc tổng Định Thới, quận Ô Môn như cũ.
Giai đoạn 1956-1976
[sửa | sửa mã nguồn]Việt Nam Cộng hòa
[sửa | sửa mã nguồn]Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Ban đầu, Ô Môn vẫn là tên quận thuộc tỉnh Phong Dinh. Đến ngày 16 tháng 10 năm 1958, quận Ô Môn đổi tên thành quận Phong Phú. Sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Thời Việt Nam Cộng hòa, xã Long Tuyền vẫn thuộc quận Châu Thành; xã Thới An Đông vẫn thuộc quận Ô Môn và sau đó là quận Phong Phú như cũ.
Thời Việt Nam Cộng hòa, mặc dù cũng không được dùng chính thức trong các tên gọi đơn vị hành chính cấp xã hoặc quận, tuy nhiên địa danh "Bình Thủy" cũng được sử dụng rộng rãi để chỉ tên gọi vùng đất thuộc địa bàn ấp Bình Lạc, xã Long Tuyền. Bên cạnh đó, địa danh "Trà Nóc" được dùng để chỉ tên gọi vùng đất gần khu vực cầu Trà Nóc và Khu kỹ nghệ Tây Đô (ngày nay là Khu công nghiệp Trà Nóc) vốn thuộc địa bàn xã Thới An Đông.
Ngày 30 tháng 9 năm 1970, theo Sắc lệnh số 115-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm, thị xã Cần Thơ được chính thức tái lập và là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh. Khi đó, ấp Bình Nhựt thuộc xã Long Tuyền được giao cho thị xã Cần Thơ quản lý và được đổi lại thành phường An Thới thuộc quận 1 (quận Nhứt), thị xã Cần Thơ. Các ấp còn lại vẫn thuộc xã Long Tuyền, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh cho đến năm 1975.
Chính quyền Cách mạng
[sửa | sửa mã nguồn]Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Phong Dinh mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ, đồng thời vẫn duy trì tên gọi huyện Ô Môn trực thuộc tỉnh Cần Thơ như cũ trong giai đoạn 1956-1976. Lúc bấy giờ, phía chính quyền Cách mạng cũng gọi vùng đất quận Châu Thành thuộc tỉnh Phong Dinh bằng danh xưng là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ, còn quận Phong Phú thuộc tỉnh Phong Dinh thì gọi là là huyện Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ.
Về phía chính quyền Cách mạng, huyện Ô Môn ban đầu vẫn quản lý xã Thới An Đông như cũ. Về sau, xã Thới An Đông lại được giao về cho huyện Châu Thành cùng thuộc tỉnh Cần Thơ quản lý.
Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hình thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9, là đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng với tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì các đơn vị hành chính cấp quận, phường và khóm bên dưới giống như phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến đầu năm 1976.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Lúc này, ở khu vực thành phố Cần Thơ, chính quyền Cách mạng cho thành lập mới phường Bình Thủy, đồng thời giải thể phường An Thới cũ và sáp nhập vào địa bàn phường Bình Thủy.
1976–2003:
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới: tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, quận 1 (quận Nhứt) cũng bị giải thể, các phường xã trực thuộc thành phố do thành phố Cần Thơ lúc này chuyển thành thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[6] về việc chia một số phường xã thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Lúc này vùng đất Long Tuyền - Bình Thủy có những thay đổi như sau:
- Chia phường Bình Thủy thành 2 phường: Bình Thủy và An Thới (gồm cả Cồn Sơn).
- Chia xã Long Tuyền thành 2 xã: Long Hoà và Long Tuyền.
- Sáp nhập xã Mỹ Khánh, xã Giai Xuân và ấp Thới Thuận, ấp Thới Hoà, ấp Thới Ngươn của xã Thới An Đông thuộc huyện Châu Thành vào thành phố Cần Thơ.
Sau này, vùng đất ven sông Hậu thuộc xã Thới An Đông cũng được tách ra để thành lập mới phường Trà Nóc trực thuộc thành phố Cần Thơ, đồng thời toàn bộ phần đất còn lại của xã Thới An Đông cũng được sáp nhập vào thành phố Cần Thơ.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết[7] chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ khi đó đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ cho đến cuối năm 2003.
2004–nay: Quận Bình Thủy thuộc thành phố Cần Thơ
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 26 tháng 11 năm 2003, tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang.[8] Tháng 1 năm 2004, quận Bình Thủy được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của các phường Bình Thủy, An Thới, Trà Nóc và các xã Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông thuộc thành phố Cần Thơ cũ, với diện tích tự nhiên toàn quận là 68,77 km2 và dân số 86.279 người. Các phường Long Hoà, Long Tuyền và Thới An Đông được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã cũ. Quận Bình Thủy tại thời điểm này có 6 phường trực thuộc.[1]
Tháng 11 năm 2007, phường Bùi Hữu Nghĩa được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 637,12 ha diện tích tự nhiên và 11.185 nhân khẩu của phường An Thới; đồng thời phường Trà An cũng được thành lập trên cơ sở điều chỉnh 565,67 ha diện tích tự nhiên và 5.339 nhân khẩu của phường Trà Nóc. Quận Bình Thủy tại thời điểm này có 70,59 km2 diện tích tự nhiên với 97.051 nhân khẩu, với 8 phường trực thuộc. [9]
Hành chính
[sửa | sửa mã nguồn]Quận Bình Thủy có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 8 phường: An Thới, Bình Thủy, Bùi Hữu Nghĩa, Long Hòa, Long Tuyền, Thới An Đông, Trà An và Trà Nóc.
|
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc quận Bình Thủy | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Đường phố
[sửa | sửa mã nguồn]- Bùi Hữu Nghĩa
- Cách Mạng Tháng Tám
- Đặng Thị Nhường
- Đặng Thùy Trâm
- Đặng Văn Dầy
- Đinh Công Chánh
- Đỗ Trọng Văn
- Đồng Ngọc Sứ
- Đồng Văn Cống
- Hồ Trung Thành
- Huỳnh Mẫn Đạt
- Huỳnh Phan Hộ
- Lạc Long Quân
- Lê Hồng Phong
- Lê Thị Hồng Gấm
- Lê Văn Bì
- Lê Văn Sô
- Nguyễn Chánh Tâm
- Nguyễn Chí Thanh
- Nguyễn Đệ
- Nguyễn Thanh Sơn
- Nguyễn Thị Tạo
- Nguyễn Thị Tính
- Nguyễn Thị Tồn
- Nguyễn Thông
- Nguyễn Truyền Thanh
- Nguyễn Văn Linh
- Nguyễn Viết Xuân
- Phạm Hữu Lầu
- Phạm Ngọc Hưng
- Phạm Thị Bang
- Rạch Ông Đội
- Rạch Ông Kính
- Tạ Thị Phi
- Thái Thị Nhạn
- Tô Vĩnh Diện
- Trần Quang Diệu
- Trần Văn Nghiêm
- Võ Văn Kiệt
- Vườn Mận
- Xóm Lưới
- Xuân Hồng
Kinh tế - xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Quận Bình Thủy là quận có đóng góp lớn vào tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ cho thành phố Cần Thơ: Toàn quận hiện nay có 2 cảng lớn là Cảng Trà Nóc và Cảng Hoàng Diệu. Hiện nay Cảng Trà Nóc: Tiếp nhận tàu 5.000 – 10.000 DWT; Năng lực thông qua đạt 1,0 – 1,5 triệu tấn/năm; dự kiến năm 2020 đạt 2,5 -3,0 triệu tấn/năm và cảng Hoàng Diệu: Tiếp nhận tàu đến 10.000 DWT; Năng lực thông qua đạt 2,0 – 2,5 triệu tấn/năm; dự kiến năm 2020 đạt 3,0 triệu tấn/năm. 2 khu công nghiệp gồm KCN Hưng Phú I và KCN Trà Nóc I. Trong đó KCN Trà Nóc I hiện đã thu hút hơn 123 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký lên đến 340 triệu USD.[11]
Ngoài ra quận có một hệ thống sông rạch chi chít, sông liền sông, vườn nối vườn. Với môi trường xanh, sạch, đẹp cùng với việc bảo tồn những nét văn hoá đặc trưng, truyền thống, du lịch Bình Thủy mang một sắc thái riêng, độc đáo và hấp dẫn.
Ngoài ra, quận Bình Thủy còn có sân bay quốc tế Cần Thơ lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long có các chuyến bay đi trong nước và quốc tế với thành phố.
Quận Bình Thủy là một phần đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy về các công trình mang tính lịch sử thuộc khu đô thị trung tâm thành phố[12]. Hiện nay quận đóng vai trò như một đầu mối giao thông quan trọng của thành phố liên vận quốc tế về đường hàng không lẫn đường thủy như sân bay Cần Thơ, cảng Hoàng Diệu, cảng Trà Nóc và cùng với đó là các trường Đại học, Cao đẳng và các cơ quan quan trọng của chính phủ và thành phố Cần Thơ.
Giáo dục
[sửa | sửa mã nguồn]Một số trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp đóng trên địa bàn quận Bình Thủy:
- Đại học Công nghệ - Kỹ thuật (cơ sở 2)
- Đại học Cảnh sát Nhân dân III
- Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (cơ sở Cần Thơ)
- Cao đẳng Y dược Pasteur (cơ sở Cần Thơ)
- Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPCT (khu vực C)
- Cao đẳng Văn hoá - Nghệ Thuật TP.Cần Thơ
- Cao đẳng Nghề Cần Thơ
- Cao đẳng Đại Việt
- Trung cấp Công an nhân dân
- Trung cấp Y Dược Mekong
- Trung cấp Quốc tế Mekong
- Trung cấp Hồng Hà cùng với các trường bậc phổ thông của quận.
Y tế
[sửa | sửa mã nguồn]Hiện nay trên địa bàn quận có Bệnh viện Đa khoa quận Bình Thủy, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm Minh Đức, Trung tâm Y tế dự phòng, Trạm y tế Phường Bình Thủy, Trung tâm chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Phòng Khám Chuyên Khoa Nhi
Văn hóa
[sửa | sửa mã nguồn]Thơ ca về quận Bình Thủy
[sửa | sửa mã nguồn]“ | Bình Thủy đường chân loang loáng nước Về em - theo cỏ rối Long Tuyền Mưa rơi tháng sáu dài hoang lệ Trăm bóng sao cài đang ngả nghiêng. |
” |
Di tích
[sửa | sửa mã nguồn]Danh sách các di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp thành phố trên địa bàn | ||||
---|---|---|---|---|
STT | Tên | Địa chỉ | ||
1 | Đình Bình Thủy | 46/11A, Phường Bình Thủy,Quận Bình Thủy | ||
2 | Chùa Long Quang (Cần Thơ) (Long Quang Cổ Tự) | Đinh Công Chánh, Phường Long Hoà, Quận Bình Thủy | ||
3 | Nhà cổ Bình Thủy | 114, Bùi Hữu Nghĩa, Quận Bình Thủy | ||
4 | Cơ quan đặc ủy An Nam Cộng Sản đảng 1929 -1920 | P.Bùi Hữu Nghĩa, Quận Bình Thủy | ||
5 | Chùa Nam Nhã | 614, đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường Bùi Hữu Nghĩa Quận Bình Thủy | ||
6 | Mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa | 496, Cách Mạng Tháng Tám, P. Bùi Hữu Nghĩa, Quận Bình Thủy | ||
7 | Chùa Hội Linh (Cần Thơ) (Hội Linh Cổ Tự) | Quận Bình Thủy | ||
8 | Căn Cứ vườn Mận | P. Long Tuyền, Quận Bình Thủy |
Công sở
[sửa | sửa mã nguồn]Một số cơ quan thuộc chính phủ và thành phố trên địa bàn quận Bình Thủy
• Phòng Tài Nguyên & Môi Trường Thành Phố Cần Thơ
• Cục Hải Quan Thành Phố Cần Thơ
• Cảng Vụ Hàng Hải Thành Phố Cần Thơ
• Cục Dự Trữ Nhà Nước Khu Vực Tây Nam Bộ
• Cục Thú Y - Chi Cục Thú Y Vùng 7
• Cục Quản Lý Chất Lượng Nông Lâm Sản & Thủy Sản Vùng 6
• Chi Cục Hải Quan Tây Đô
• Sân Vận Động Quân Khu 9
• Bộ Tư Lệnh Quân Khu 9
• Cảng Vụ Đường Thủy Nội Địa Khu Vực 4
• Cơ Quan Điều Tra Hình Sự Thành phố Cần Thơ
• Cơ Quan Điều Tra Hình Sự Khu Vực 5 Quân Khu 9
• Đài Thông Tin Duyên Hải Thành phố Cần Thơ
• Trung Tâm Tần Số Vô Tuyến Điện Kvh
• Cục Tần Số Vô Tuyến Điện Thành phố Cần Thơ
• Chi Cục Kiểm Dịch Thực Vật Vùng IX
• Trạm Quan Trắc Khí Tượng Nông Nghiệp Lắng Động AXIT ĐBSCL
• Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường Thành phố Cần Thơ
Giao thông
[sửa | sửa mã nguồn]Các tuyến đường chính
[sửa | sửa mã nguồn]- Cách mạng Tháng 8 (quốc lộ 91 đi qua các phường An Thới và Bùi Hữu Nghĩa)
- Lê Hồng Phong (quốc lộ 91 đi qua các phường Bình Thủy, Trà An và Trà Nóc)
- Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 91B đi qua các phường Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông)
- Võ Văn Kiệt (đi qua các phường An Thới, Bình Thủy và Long Hòa)
- Bùi Hữu Nghĩa (tỉnh lộ 918 đi qua các phường Bình Thủy, Long Hòa và Long Tuyền)
- Nguyễn Chí Thanh (tỉnh lộ 917 đi qua các phường Trà Nóc và Thới An Đông)
- Tỉnh lộ 920 (đi qua phường Trà Nóc)
- Tỉnh lộ 922 (đi qua phường Thới An Đông)
Đường địa phương
[sửa | sửa mã nguồn]- Phường An Thới: Đồng Ngọc Sứ, Đồng Văn Cống, Lê Văn Bì, Lê Quang Chiểu, Lê Văn Sô, Nguyễn Đệ, Nguyễn Thông, Nguyễn Việt Dũng, Phạm Hữu Lầu, Phạm Ngọc Hưng, Thái Thị Nhạn, Trần Quang Diệu, Trần Văn Nghiêm
- Phường Bùi Hữu Nghĩa: Đặng Thị Nhường, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thị Tính
- Phường Bình Thủy: Đặng Văn Dầy, Đỗ Trọng Văn, Huỳnh Phan Hộ, Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Truyền Thanh, Lạc Long Quân
- Phường Trà An: Hồ Trung Thành, Huỳnh Phan Hộ, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Viết Xuân
- Phường Long Hòa: Đinh Công Chánh, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Thị Tạo
- Phường Long Tuyền: Đinh Công Chánh, Lê Thị Phỉ, Nguyễn Văn Trường, Đặng Xuân Hồng.
- Phường Thới An Đông: Nguyễn Viết Xuân, Phạm Thị Ban.
Các trục sẽ hình thành mới
[sửa | sửa mã nguồn]- Huỳnh Phan Hộ (đi qua các phường Trà An, Long Hoà) giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đi qua (phường Thới An Đông).
- Đường nối 918 - CMT8 (đi qua các phường An Thới, Long Hoà và Long Tuyền) qua 3 giai đoạn.
- Vành đai sân bay (đi qua phường Trà An, Long Hoà, Thới An Đông) giai đoạn 2. Đã hình thành giai đoạn 1, quy mô toàn tuyến dài 5 km.
- Trục vành đai phía Tây (đi qua các phường Thới An Đông, Long Tuyền).
- Trục ĐT918 mới (Thới An Đông).
- ĐT922 mới (Thới An Đông) đã hình thành.
- Đặng Văn Dày giai đoạn 3 đi qua 3 phường (Bình Thủy, Long Hoà, Long Tuyền).
- Trần Hoàng Na nối dài với chiều dài 7,6 km đi qua các phường ( Long Hoà, Long Tuyền).
- Trần Bạch Đằng ( nối khu đô thị Cửu Long phường Long Hoà với phường An Khánh, quận Ninh Kiều )
- Nguyễn Tri Phương ( đi qua phường Long Hoà )
Hạ tầng
[sửa | sửa mã nguồn]Các dự án đã và đang triển khai và kêu gọi đầu tư trên địa bàn quận
Hạ tầng đô thị
[sửa | sửa mã nguồn]• Khu đô thị 2 bên Võ Văn Kiệt khu 1 quy mô 280ha.
• Khu đô thị 2 bên Võ Văn Kiệt khu 2 quy mô 249ha.
• Khu đô thị 2 bên Võ Văn Kiệt khu 3 quy mô 300ha.
• Khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt phân khu 4 quy mô 12ha.
• Khu đô thị mới 2 bên đường Võ Văn Kiệt phân khu 5 quy mô 85,35ha.
• Khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt phân khu 9 phường An Thới và phường An Hoà, quận Ninh Kiều quy mô 30ha.
• Khu đô thị - tái định cư Cửu Long 54ha ( Phường Long Hoà ) đã hình thành
• Khu đô thị Stella Mega City 150ha ( Phường Bình Thủy ) đã hình thành.
• Khu tái định cư số 1 quy mô 18,5ha ( Long Tuyền ) khu Long Hoà 3.
• Khu tái định cư số 12 ( Ô Môn - Bình Thủy ) 215ha. Trong đó 42ha/215ha tại phường Thới An Đông.
• Khu tái định cư số 13 quy mô 89ha tại phường Thới An Đông.
• Khu tái định cư Long Hoà 1 quy mô 4ha ( Trà An - Long Hoà ) đã hình thành.
• Khu tái định cư Long Hoà 2 quy mô 10ha, chuẩn bị cho công tác đầu tư.
Hạ tầng kỹ thuật xã hội khác
[sửa | sửa mã nguồn]• Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao phường Long Tuyền quy mô 42,46ha.
• Dự án trường cao đẳng văn hoá Nghệ Thuật thành phố Cần Thơ 7,72ha tại phường Long Tuyền.
• Dự án trường Đại học Kỹ Thuật - Công Nghệ cơ sở 2 tại phường Long Tuyền quy mô 17,22ha.
• Cụm CN Bình Thủy quy mô 75ha tại phường Thới An Đông.
• Mở rộng sân bay Cần Thơ về hướng Nam quận quy mô 728,9 ha tại các phường Trà An, Long Hoà và Thới An Đông.
• Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với hàng không quốc tế Cần Thơ quy mô 100ha.
• Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm khu 2 diện tích 50ha.
Hình ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]-
Chính điện chùa Long Quang.
-
Đình Bình Thủy.
-
Nhà cổ Bình Thủy
-
Bệnh viện lao và bệnh phổi thành phố Cần Thơ.
-
Mộ nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa và vợ.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Nghị định 05/2004/NĐ-CP về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương”. Thư viện Pháp luật. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2024.
- ^ Quận Bình Thủy Lưu trữ 2012-08-20 tại Wayback Machine, Theo kết quả Thống kê Từ trang Chính phủ Việt Nam.
- ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số Việt Nam đến ngày 01 tháng 4 năm 2019” (PDF). Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.
- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 8 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2014.
- ^ Quyết định 174-CP điều chỉnh địa giới một số xã thuộc tỉnh Hậu Giang
- ^ “Nghị quyết phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh”.
- ^ “Nghị quyết 22/2003/QH11 chia và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh”. Thư viện Pháp luật. 26 tháng 11 năm 2003. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2024.
- ^ Chính phủ (6 tháng 11 năm 2007). “Nghị định 162/2007/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính xã phường thành lập thuộc quận Bình Thuỷ, Ô Môn, huyện Thốt Nốt Vĩnh Thạnh TP Cần Thơ mới nhất”. Thư viện Pháp luật. Truy cập 17 tháng 2 năm 2015.
- ^ Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (11 tháng 6 năm 2024). “Đề án số 05/ĐA-UBND sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023–2025 của thành phố Cần Thơ”.
- ^ “Các khu công nghiệp ở Cần Thơ: Trọng điểm thu hút đầu tư”. Báo Đầu Tư. 22 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2020.
- ^ “Tra cứu thông tin, bản đồ quy hoạch các quận, huyện Cần Thơ 2019 » Thông tin Dự án”. Truy cập 12 tháng 9 năm 2024.