Phú Cường, huyện Cai Lậy
Phú Cường
|
|||
---|---|---|---|
Xã | |||
Xã Phú Cường | |||
Hành chính | |||
Quốc gia | Việt Nam | ||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | ||
Tỉnh | Tiền Giang | ||
Huyện | Cai Lậy | ||
Trụ sở UBND | Ấp 5B[1] | ||
Thành lập | 1979[2] | ||
Địa lý | |||
Tọa độ: 10°29′34″B 106°4′15″Đ / 10,49278°B 106,07083°Đ | |||
| |||
Diện tích | 32,60 km²[3] | ||
Dân số (2013) | |||
Tổng cộng | 12.733 người[3] | ||
Mật độ | 391 người/km² | ||
Dân tộc | Kinh | ||
Khác | |||
Mã hành chính | 28444[4] | ||
Số điện thoại | 0273.3.827.301[1][a] | ||
Phú Cường là một xã thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Tiếp giáp
[sửa | sửa mã nguồn]Phía bắc xã tiếp giáp với xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Ba mặt còn lại giáp các đơn vị hành chính thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, gồm xã Thạnh Lộc ở phía tây, xã Phú Nhuận ở phía nam, cả hai đều thuộc huyện Cai Lậy, mặt phía đông từ bắc xuống nam giáp huyện Tân Phước và thị xã Cai Lậy.[5]
Địa lý tự nhiên
[sửa | sửa mã nguồn]Xã có địa bàn mang hình dạng là một hình chữ nhật thẳng đứng, con kênh lớn nhất là kênh Nguyễn Văn Tiếp chảy theo hướng tây bắc - đông nam cắt ngang giữa xã gần như phân chia xã làm hai phần. Ở phần nam của xã thì có kênh Ban Dày[6] tuy không phải là kênh thẳng nhưng chảy chủ yếu theo hướng bắc nam gần như cắt phần nam xã thành hai phần tây và đông. Đoạn kênh Ban Dày thuộc xã Phú Cường dài khoảng 5,5 km, đầu phía bắc đổ vào kênh Nguyễn Văn Tiếp, đầu phía nam tiếp tục chảy xuống các xã khác.
Các con kênh, rạch khác chảy trên địa bàn xã là: Kênh 1, Kênh 3, Kênh 6, Kênh 7, Kênh 8, Kênh 12, Kênh 500, kênh 26 Tháng 3, kênh Bà Hai Lung Xìn, kênh Ba Xã, kênh Bao Tràm, kênh Bồi Tường, kênh Cống Kho, kênh Đầu Ngàn, kênh Hai Hạt, kênh Kháng Chiến, kênh Mới, kênh Năm Giao, kênh Ranh Làng, kênh Ranh Tổng, kênh Ranh - Phú Cường, kênh Tấp Bèo, kênh Tư Đạt.[7]
Về thổ nhưỡng và thủy văn thì đất đai trong xã nhiễm phèn và thường xuyên chịu lũ lụt hằng năm, do đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa.[8][9]
Tài nguyên khoáng sản
[sửa | sửa mã nguồn]Về tài nguyên khoáng sản thì xã có than bùn được phát hiện vào năm 1986.[10]
Hành chính
[sửa | sửa mã nguồn]Xã Phú Cường có diện tích 32,60 km², dân số năm 2013 là 12.733 người,[3] mật độ dân số đạt 391 người/km².
Xã được chia thành 7 ấp: ấp 1, 2, 3, 4, 5A, 5B, 6.[7]
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Từ 1945 - 1954, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt xã Thạnh Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, trong khi đó chính quyền Pháp và Quốc gia Việt Nam đặt xã Thạnh Phú, tổng Lợi Thuận, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.[11]
Từ 1954 - 1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đặt xã Thạnh Phú, tổng Lợi Thuận, quận Cai Lậy, tỉnh Định Tường. Chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam lại đặt xã Thạnh Phú thuộc huyện Cai Lậy Bắc, tỉnh Mỹ Tho.[11]
Xã từng là một phần của xã Thạnh Phú, đến ngày 12 tháng 4 năm 1979 thì xã Thạnh Phú được chia thành xã Thạnh Lộc ở phía tây và xã Phú Cường ở phía đông.[2][12] Cả hai xã cách nhau bởi kênh Tư Đạt và kênh Tám Bì, chảy theo hướng bắc nam.[2]
Kinh tế – Xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]Giao thông
[sửa | sửa mã nguồn]Phía bắc con kênh Nguyễn Văn Tiếp là Tỉnh lộ 865[13] chạy cặp song song theo con kênh cách con kênh tầm 100m. Đây là tuyến đường nối dài Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp[14] con đường quan trọng nhất xã này trước là đường trải đá đỏ, chỉ được trải nhựa vào năm 2012[15] hiện đang dự trù nâng cấp thành quốc lộ.[16] Bờ nam con kênh là đường Nam Nguyễn Văn Tiếp, số hiệu là đường huyện 59B,[b] đây là đường liên xã gồm nhiều đoạn không đồng nhất: lộ đá, lộ đan và lộ nhựa. Việc qua lại hai bờ kênh trên địa bàn xã Phú Cường chủ yếu bằng phà ở cuối đường Tây Ban Dày và qua cây cầu duy nhất là cầu Quảng Oai nằm ở phía đông. Ngoài ra, có thể chạy về hướng tây để qua kênh bằng cầu Thạnh Lộc của xã lân cận cách xã chừng 1 km.
Dọc kênh Ban Dày là đường huyện 65, là con đường nhựa chạy song song phía đông,[c] cách kênh từ 100 đến 300m. Còn cặp sát bờ kênh Ban Dày có hai con đường nhỏ hơn, sát bờ tây là một lộ đan (đường Tây Ban Dày) chạy dọc theo kênh. Sát bờ đông cũng là một lộ đan nhưng trong tình trạng xuống cấp nhiều đoạn. Việc qua lại kênh này thuận tiện hơn do có 5 cây cầu.
Phần phía nam xã có đường nam kênh Kháng chiến chạy qua theo hướng tây đông, đây là đường đan trong tình trạng tốt, có một đoạn đường nhựa ở cuối đường hướng đông.
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Hầu hết dân cư của xã đều sống tập trung dọc theo 2 con kênh lớn nhất này, và một khu quy hoạch mới có vị trí nằm ngay cạnh khu vực chợ Mỹ Phước Tây thuộc thị xã Cai Lậy, ở phía đông của xã, trên bờ nam kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Gần như toàn bộ diện tích xã canh tác lúa nước, có nhiều nhà máy xay xát lớn và tàu, ghe vận chuyển tập trung trên kênh Nguyễn Văn Tiếp. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng đã phổ biến mô hình kinh tế luân canh cho xã, lúa kết hợp dưa hấu, trồng luân canh.[18][19][20] Thống kê vào tháng 2 năm 2013, xã Phú Cường có diện tích trồng dưa hấu 110 ha (1,1 km²), là xã có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Tiền Giang.[21] Đến tháng 8 năm 2013 xã có khoảng 100 hộ gia đình chuyên trồng dưa hấu, với tổng diện tích 150 ha (1,5 km²), trồng chủ yếu giống dưa hấu Hắc mỹ nhân.[22] Đến năm 2016, diện tích trồng dưa hấu đã lên tới 300 ha, khoảng 1/10 so với 3.000 ha đất nông nghiệp, 200 hộ trồng dưa hấu áp dụng 'mô hình luân canh lúa - dưa hấu' theo: 2 lúa - 1 dưa hoặc 1 lúa - 1 dưa - 1 màu.[23] Dưa hấu của xã và xã Thạnh Lộc lân cận được đánh giá cao nhất tỉnh về chất lượng, hàng cũng đã được xuất khẩu.[24]
Xã cũng phổ biến mô hình kết hợp cá - lúa, các ruộng lúa nuôi cá rô, sặc rằn, chép, mè vinh,[25]...vừa có lợi kinh tế thủy sản vừa giúp lúa tăng năng suất. Ngoài ra, xã cũng là địa bàn trồng rau nhút kinh tế nhiều bậc nhất tỉnh Tiền Giang. Việc trồng thường tiến hành sau thu hoạch ruộng lúc, thường được gọi là "mô hình trồng rau nhút dưới chân ruộng".[26]
Trung tâm Nông sản Phú Cường, nằm trên tỉnh lộ 865 là đầu mối tiêu thụ lúa gạo trong tỉnh và khu vực.[27]
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 2,5%.[28]
Chuyển đổi kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Dọc theo hai kênh lớn dân trong xã trồng chủ yếu là mít, một ít diện tích trồng sầu riêng, dừa, ổi, bưởi, đu đủ,... Ngoài canh tác trồng mít, nhiều nơi dân trong xã đào ao nuôi cá với những ao diện tích rất lớn. Tuy nhiên, đây là việc làm tự phát, theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, đến đầu tháng 4 năm 2019, Phú Cường cùng 5 xã lân cận đã chuyển đổi 557 ha (hơn 5,5 km²) đất trồng lúa sang mục đích canh tác khác, gồm trồng cây ăn trái trên 404 ha, chuyển sang đào ao nuôi cá trên 153 ha. Việc tự ý chuyển đổi này được xem là sẽ phá vỡ quy luật cung - cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa của địa phương.[8] Theo Trần Kim Mai - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thì điều này là vi phạm Luật Đất đai về sử dụng đất không đúng mục đích, không được Nhà nước cho phép.[29]
Xã hội
[sửa | sửa mã nguồn]- Y tế
Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước Tây, nằm ở hướng đông của xã, gần cầu Quảng Oai, tại ấp 6. Đây là bệnh viện hạng 3, có quy mô 50 giường bệnh.[30]
- Giáo dục
- Trường tiểu học Phú Cường 1, nằm tại ấp 5A.[31]
- Trường tiểu học Phú Cường 2, nằm tại ấp 3.[32]
- Trường THCS Phú Cường,[33] tại cuối đường Tây Ban Dày, thuộc ấp 3.
Học sinh bậc THPT sẽ học tại trường THPT Mỹ Phước Tây ở xã lân cận, ngay khu vực giáp ranh hai xã Phú Cường và xã Mỹ Phước Tây. Năm 2014, Trường THPT Mỹ Phước Tây đổi tên thành Trường THPT Lê Văn Phẩm.[34]
- Địa điểm tôn giáo
- Đàn Thông Linh Khiếu, tại ấp 6, trên tỉnh lộ 829, là nơi thờ tự của đạo Cao Đài.[35]
Khác
[sửa | sửa mã nguồn]Ở đông bắc địa bàn xã, trên tỉnh lộ 829 là một doanh trại quân đội lớn và Trường bắn 908.[36]
Ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Mã vùng 073 đã đổi sang Mã vùng mới là 0273.
- ^ Huyện lộ 59B có chiều dài hơn 13 km, bắt đầu từ cầu qua kênh 9, là một cây cầu hẹp, giáp ranh với huyện Cái Bè ở phía tây kéo dài về phía đông đến điểm cuối là cầu Mỹ Phước Tây cũ (hiện đã tháo dỡ) ngay khu vực giao giữa kênh Nguyễn Văn Tiếp và kênh 12.[17]
- ^ Huyện lộ 65 chạy từ Quốc lộ 1A (trung tâm xã Bình Phú) về phía bắc đến kênh Nguyễn Văn Tiếp.[17]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b “Ủy ban nhân dân các xã”. cailay.tiengiang.gov.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2021.
- ^ a b c “QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI MỘT SỐ XÃ THUỘC HUYỆN CAI LẬY VÀ HUYỆN CÁI BÈ, TỈNH TIỀN GIANG”. thuvienphapluat.vn. ngày 12 tháng 4 năm 1979. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2021.
- ^ a b c “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. mic.gov.vn. Bộ Thông tin & Truyền thông. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 3 năm 2013. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012. (CẦN CẬP NHẬT SỐ LIỆU MỚI NHẤT)
- ^ Tổng cục Thống kê
- ^ “Bản đồ huyện Cai Lậy”. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2021. (nguồn yếu)
- ^ “QUYẾT ĐỊNH: Ban hành Danh mục và phân cấp quản lý tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. vbpl.vn. ngày 10 tháng 10 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2021.
- ^ a b “THÔNG TƯ: BAN HÀNH DANH MỤC ĐỊA DANH DÂN CƯ, SƠN VĂN, THỦY VĂN, KINH TẾ - XÃ HỘI PHỤC VỤ CÔNG TÁC THÀNH LẬP BẢN ĐỒ PHẦN ĐẤT LIỀN TỈNH TIỀN GIANG”. thuvienphapluat.vn. ngày 26 tháng 7 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2021.
- ^ a b Hùng Huy, Thanh Tùng (ngày 3 tháng 5 năm 2019). “Nông dân Cai Lậy cải tạo hơn 557 ha đất lúa sang mục đích canh tác khác”. tiengiang.gov.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
- ^ Chung sống với lũ, Sđd, tr. 24
- ^ “Các mỏ than bùn ở một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long”. camnangcaytrong.com. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2021.
- ^ a b Địa chí Tiền Giang, Tập 2, tr. 315, 316
- ^ Địa chí Tiền Giang, Tập 1, tr. 275
- ^ “Bài 2: Huyền thoại kinh Nguyễn Văn Tiếp”. báo Ấp Bắc. ngày 1 tháng 8 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2021.
- ^ “Kẹt xe khắp miền Tây, cần phá thế độc đạo của Quốc lộ 1”. Báo điện tử VnExpress. ngày 11 tháng 2 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2021.
- ^ “Tiền Giang: Thông xe đường tỉnh 865 (ngã ba Phú Mỹ - cầu Rạch Đào)”. mt.gov.vn. ngày 17 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2021.
- ^ “Đề xuất nâng 5 tuyến đường tỉnh thành quốc lộ”. báo Giao thông. ngày 23 tháng 5 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2021.
- ^ a b “QUYẾT ĐỊNH: BAN HÀNH DANH MỤC SỐ HIỆU ĐƯỜNG BỘ THUỘC CẤP HUYỆN QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG”. thuvienphapluat.vn. ngày 8 tháng 1 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2021.
- ^ “Mô hình trồng luân vụ lúa + dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao”. dangcongsan.vn. ngày 18 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
- ^ Minh Trí (ngày 24 tháng 11 năm 2019). “Vùng lũ mở rộng diện tích trồng màu”. daidoanket.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
- ^ Hồng Linh (ngày 5 tháng 1 năm 2020). “Nông dân huyện Cai Lậy tất bật chuẩn bị trái cây cung ứng thị trường Tết Nguyên đán”. tiengiang.gov.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
- ^ Thành Công (ngày 6 tháng 2 năm 2013). “Thắng lớn từ dưa hấu Tết”. báo Nhân Dân. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ Công Hân (ngày 10 tháng 8 năm 2013). “Tiền Giang: Người trồng dưa hấu lỗ nặng”. báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Triển vọng mới từ mô hình: Dưa hấu leo giàn”. khoahocchonhanong.com.vn. ngày 3 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ Minh Trí (ngày 7 tháng 5 năm 2012). “Nông dân Tiền Giang trúng đậm mùa dưa hấu”. ndh.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ Huyền Linh (ngày 6 tháng 7 năm 2020). “Tiền Giang, mô hình cá lúa cho hiệu quả kinh tế cao”. thuysanvietnam.com.vn. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
- ^ Tấn Phúc (ngày 4 tháng 11 năm 2017). “Trồng rau nhút mùa lũ, cứ 1 công lãi 15-20 triệu đồng”. danviet.vn. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ Cường Thịnh (ngày 16 tháng 1 năm 2012). “Phát triển công nghiệp tại Tiền Giang - Dồi dào vùng nguyên liệu chế biến”. báo Sài Gòn Giải Phóng. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
- ^ Quế Ngân (ngày 27 tháng 9 năm 2019). “Huyện Cai Lậy: Xã Phú Cường đón nhận danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới"”. tiengiang.gov.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Tiền Giang: Đào ao trên nền đất lúa để nuôi thủy sản”. tepbac.com. ngày 20 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2021.
- ^ “Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước Tây (Cai Lậy)”. soytetiengiang.gov.vn. ngày 7 tháng 10 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Trường Tiểu học Phú Cường 1”. tratencongty.com. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Trường Tiểu học Phú Cường 2”. tratencongty.com. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Trường Trung học cơ sở Phú Cường”. tratencongty.com. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ Hữu Nghị (ngày 20 tháng 11 năm 2014). “Đổi tên Trường THPT Mỹ Phước Tây thành Trường THPT Lê Văn Phẩm”. báo Ấp Bắc. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ “Đàn Thông Linh Khiếu”. thanhthatcaodai.org. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
- ^ Huy Thái (ngày 20 tháng 4 năm 2018). “Ban chỉ huy quân sự thị xã Cai Lậy tổ chức kiểm tra bắn đạn thật cho lực lượng Dân quân”. txcailay.tiengiang.gov.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2021.
Sách
[sửa | sửa mã nguồn]- Ban tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam (2005). Địa chí Tiền Giang, Tập 1.
- Ban tuyên giáo tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam (2005). Địa chí Tiền Giang, Tập 2.
- Chung sống với lũ. NXB Thanh niên. 2001.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- “Tiền Giang: Cần xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông”. mt.gov.vn. ngày 13 tháng 11 năm 2012.
- Trọng Đạt (ngày 5 tháng 3 năm 2021). “Các huyện, thị phía Tây: Vụ lúa đông xuân thắng lợi”. báo Ấp Bắc.
- “Tiền Giang: cả làng làm sân phơi lúa”. doanhnhansaigon.vn. ngày 5 tháng 4 năm 2010.
- “Mô hình trồng luân vụ lúa + dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao”. canthotv.vn. ngày 17 tháng 7 năm 2012.
- “Đưa cây màu xuống chân ruộng – mô hình hiệu quả "chung sống với lũ"”. dangcongsan.vn. ngày 7 tháng 9 năm 2012.